Menu
placeholder+image

Phát triển giao thông xanh - chìa khóa giải quyết ô nhiễm môi trường đô thị

Khí thải từ các loại phương tiện giao thông được nhận định là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Vì vậy, giao thông xanh được coi là chìa khóa, là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm của đô thị.


Xe bus điện thông minh hoạt động thử nghiệm ở các tuyến đường nội bộ Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Tối ưu vận tải cộng cộng

Tổ chức Y tế thế giới đã nhiều lần tái khẳng định, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông là "kẻ giết người" thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.

Tại Việt Nam, cơ quan chức năng và giới khoa học nhận định, giao thông vận tải đang là một trong những hoạt động chủ yếu gây phát thải khí nhà kính lớn thứ 3, chỉ sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí thải vào bầu khí quyển hàng năm. Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông phát thải lượng lớn các chất như bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết nắng nóng cùng với lưu lượng giao thông tăng cao sẽ khiến bầu không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… trở nên ngột ngạt, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân.

Báo cáo mới đây của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cũng chỉ ra, chất lượng không khí Thủ đô trong tháng 6 vừa qua không xuất hiện chỉ số ở mức xấu, kết quả này được cho là do người dân hạn chế ra ngoài đường, các hoạt động dịch vụ hạn chế bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4, khiến lượng phương tiện tham gia giao thông giảm. Tuy nhiên, tại các trạm quan trắc chất lượng không khí giao thông ở Minh Khai, Cầu Diễn hay Phạm Văn Đồng, nơi có mật độ lưu lượng giao thông cao thì chỉ số chất lượng không khí vẫn dao động từ 90 -100.

Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh, đảm bảo môi trường.

Tại Hà Nội, giao thông xanh cũng đã được chính quyền TP quan tâm chú trọng; một số doanh nghiệp cũng đã tham gia vào lĩnh vực này. Đáng chú ý, mới đây, tập đoàn Vingroup không chỉ tham gia vào sản xuất xe ô tô điện mà còn phát triển hệ thống xe bus điện, với bước đầu chạy thí điểm tại các khu đô thị của tập đoàn. Nhiều người đã lên xe trải nghiệm, khám phá và bày tỏ sự thích thú với loại hình buýt mới mẻ này.

Anh Hoàng Anh Đức, cư dân khu đô thị Vinhomes Ocean Park đánh giá: “Xe chạy rất êm, không có mùi xăng, tôi cảm thấy rất thoải mái khi di chuyển. Không những vậy, xe có thiết kế thân thiện với màu xanh lá làm chủ đạo, sử dụng năng lượng xanh rất thân thiện với môi trường.”

Việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, xe buýt điện là lựa chọn hàng đầu để hạn chế nguồn phát thải ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia xe buýt, dự kiến đầu quý III/2021, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội sẽ phối hợp với Trường Đại học Công nghệ GTVT triển khai thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối hệ thống xe buýt và BRT.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, việc bổ sung xe điện hai bánh kết nối với xe buýt sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc di chuyển, từ đó hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng, dần thay thế xe cá nhân.


 Người dân đạp xe tập thể dục quanh Hồ Gươm. (Ảnh: Hoàng Quân)

Cần quyết tâm, nỗ lực lớn


Cùng với các phương tiện giao thông xanh đang từng bước phát triển, tại Hà Nội, trong những năm gần đây, phong trào sử dụng xe đạp vừa để cải thiện sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường đã thu hút được nhiều người tham gia. Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, rất nhiều người dân Hà Nội đã lựa chọn cách đạp xe trên các tuyến phố để rèn luyện sức khỏe.


Một năm nay, thay vì sử dụng xe máy để đi làm như trước, chị Đỗ Thị Tuyết (Kim Mã, Ba Đình) chuyển sang dùng xe đạp làm phương tiện đi làm. “Nhận thức được việc đi xe đạp không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, tôi đã động viên rất nhiều chị em trong cơ quan cùng sử dụng loại phương tiện này” - chị Đỗ Thị Tuyết chia sẻ.


Theo chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức, để việc đi lại của người dân linh hoạt hơn thì không chỉ sử dụng xe bus mà vẫn phải kết hợp với các phương tiện cá nhân. Khi mạng lưới giao thông công cộng và cả phương tiện xe đạp hay đi bộ nếu được quan tâm như nhau, kết nối phát triển được với nhau chắc chắn sẽ giải quyết được tốt hơn vấn đề phát triển giao thông xanh.


Dưới góc độ chuyên gia môi trường, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn tại Việt Nam là một hành trình dài, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình dài hơi. Phát triển đô thị xanh, không gian xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.


“Đặc biệt, thay đổi nhận thức cần cả một quá trình, chúng ta cần phải song song tích cực giáo dục và truyền thông, để người dân tiếp cận được với vấn đề giao thông xanh, về những lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt những phương tiện cũ nát, quá niên hạn sử dụng…” - PGS.TS Bùi Thị An cho biết.


Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Đức cũng phân tích thêm những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải, ví như, còn vướng về nguồn lực tài chính, công nghệ chưa hoàn toàn được đảm bảo, nhất là vướng về thể chế. Vì vậy, để thực hiện được phải có lộ trình phát triển, nếu không có lộ trình thì không thể thực hiện được những bước tiếp theo.


Đặc biệt, nên chú trọng thực hiện xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích người dân tham gia các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện, đi bộ. Nhất là đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe bus nhanh.


Ông Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, muốn đưa phương tiện xanh vào chiếm lĩnh mạng lưới giao thông của Hà Nội cần quyết tâm và nỗ lực vô cùng to lớn của cả TP, từ chính quyền cho tới người dân.


"Với vai trò, vị thế là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước, Hà Nội lại càng phải tích cực đẩy nhanh quá trình xanh hóa giao thông, vừa để phát triển đô thị bền vững, vừa là nhân tố chính, lan tỏa nếp sống xanh ra cả nước" - TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Nguồn: Hà Ánh - Kinh tế đô thị (2021)